Tóm tắt: Nghệ thuật tạo hình kiến trúc là một loại hình nghệ thuật có tính đặc thù cao, thể hiện sự gắn kết của vai trò khoa học kỹ thuật và mỹ thuât. Biểu hiện ra là công trình kiến trúc, tồn tại ở dạng “Vật chất”, trong đó chứa đựng giá trị “tinh thần”, tính biểu cảm, nghệ thuật. Giá trị nghiên cứu này sẽ rất cần thiết đối với quá trình sáng tác của kiến trúc sư và quan trọng đối với sinh viên trong giai đoạn học tập, thực hành môn học Đồ án thiết kế tại trường đào tạo về nghệ thuật, kiến trúc.

Các loại hình nghệ thuật đều có sự biểu cảm riêng, tạo nên một loại truyền tải trao đổi thông tin nghệ thuật, được coi như là một dạng ngôn ngữ. Trong Mỹ thuật lấy màu sắc, đường nét làm ngôn ngữ biểu hiện. Ca nhạc lấy âm, tiết tấu, từ ngữ làm ngôn ngữ. Nghệ thuật kiến trúc lấy Hình & Khối, màu sắc, chất liệu làm dụng cụ để thể hiện ngôn ngữ. Quá trình nhận biết, nghiên cứu về ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình kiến trúc, thông qua nhận thức vai trò của Hình và Khối trong các tác phẩm kiến trúc, góp phần nâng cao nhận thức, tư duy thẩm mỹ. Nhận thức ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình kiến trúc có đầy đủ các thành phần chức năng, thông tin tín hiệu, quá trình tư duy hình thành ngôn ngữ, là một loại riêng của ngôn ngữ nghệ thuật. Nghệ thuật tạo hình kiến trúc thể hiện cho sự phát triển văn minh tiến bộ của thời đại, của xã hội, được hình thành qua quá trình tư duy sáng tác kiến trúc. Trong giới hạn nghiên cứu, tác giả sẽ không đề cập, chuyên sâu về các khái niệm, phân tích về môn Ngôn ngữ học trong Khoa học xã hội ở bài viết này.

1. Quan hệ Hình và Khối trong nghệ thuật tạo hình kiến trúc

1.1. Ngôn ngữ & Hình tượng trong nghệ thuật tạo hình kiến trúc

Nghệ thuật tạo hình kiến trúc vốn đã là một bộ phận của nghệ thuật tạo hình, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể mà có những quan điểm hay định nghĩa về kiến trúc. Nhưng xét theo định nghĩa chung, kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian – một trong những hoạt động sáng tạo quan trọng nhất, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, kiến trúc còn là biểu tượng và mang tính tượng trưng. Do đó, nghệ thuật tạo hình kiến trúc sẽ có một loại hình ngôn ngữ riêng, có đầy đủ những thành tố, chức năng, cấu trúc và biểu hiện có tính đặc trưng như một dạng Ngôn ngữ học.

Khái niệm ngôn ngữ học được hiểu chung: Là hệ thống các tín hiệu quan trọng và độc đáo trong giao tiếp của loài người; là phương tiện để biểu hiện và phát triển tư duy, bảo lưu và chuyển giao có hiệu lực nhất các truyền thống lịch sử – văn hóa của dân tộc. Khái niệm Ngôn ngữ theo quan điểm triết học với các luận điểm cơ bản: là hệ thống ký hiệu thực hiện các chức năng nhận thức và giao tiếp (tiếp xúc) trong quá trình hoạt động của con người/ Ngôn ngữ có tính chất tự nhiên và nhân tạo/ Ngôn ngữ là hình thức tồn tại và hình thức biểu thị tư duy, giữ vai trò quan trọng trong hình thành ý thức.

Như vậy, ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình kiến trúc sẽ là sản phẩm, phương tiện của tư duy sáng tác kiến trúc, với các thành tố như Hình & Khối, chất liệu chất cảm dưới ánh sáng, thủ pháp sáng tạo có tính cá nhân mà hình thành nên ngôn ngữ tạo hình kiến trúc.

Đối với mỗi công trình kiến trúc đều có một ngôn ngữ kiến trúc riêng, chứa đựng phong cách sáng tác của người thiết kế, truyền tải chức năng sử dụng, biểu hiện của công trình thể hiện sự ứng xử với môi trường xung quanh của công trình đó. Một trong những biểu hiện đầu tiên về ngôn ngữ tạo hình kiến trúc là giá trị hình tượng (vai trò của Hình), đó là sự khái quát hóa cao nhất mà nghệ thuật tạo hình kiến trúc đó diễn đạt.

Nhận thấy giá trị hình tượng kiến trúc có cảm xúc thật rõ nét, từ những biểu hiện của nội dung công trình kiến trúc, biểu hiện của tổ hợp, thủ pháp sáng tạo với các thành phần vật chất kiến tạo công trình như: mái nhà, cột nhà, các diện, mảng…được tổ hợp, biểu hiện ra vẻ bề ngoài của hình thức công trình. Giá trị hình tượng phải có tính logic, xuyên suốt, ảnh hưởng đến nội dung bên trong công trình. Tổng hòa các giá trị cảm xúc đó, tạo nên giá trị nghệ thuật của công trình kiến trúc.

Yếu tố hình tượng kiến trúc được nhận định như là một hệ thống ký hiệu kiến trúc và môi trường để cảm nhận hình tượng kiến trúc chính là vai trò của yếu tố không gian và chất xúc tác là các bề dày tri thức của cá nhân, đối tượng cảm thụ nghệ thuật.

Cơ sở hình thành khái niệm Hình tượng trong nghệ thuật tạo hình kiến trúc được nảy sinh trong giai đoạn tư duy sáng tạo kiến trúc, với vai trò của Nét khái quát là nét nguyên thủy, biểu hiện đầu tiên của Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc. Hình: là cơ sở vật chất cụ thể, hữu hình; Tượng: là ý nghĩa tượng trương, khái quát (mang giá trị tinh thần). Như vậy, hình tượng là sự thống nhất giữa yếu tố tinh thần với những biểu hiện vật chất. Sự khái quát hóa hay tính hình tượng kiến trúc đều là “kênh thông tin” đặc thù thị giác về ý tưởng của tác giả, về giá trị tinh thần mà tác phẩm kiến trúc muốn truyền tải.

Quá trình sáng tác kiến trúc bao gồm:

Ý tưởng sáng tác (trong tiềm thức) -> Hình -> Khối -> Không gian -> Giá trị hình tượng

1.2. Mối quan hệ Hình và Khối thể hiện đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình kiến trúc

Quan hệ Hình và Khối cũng thể hiện tính tương đồng của cặp phạm trù triết học Bản chất và Hiện tượng. Hình là nét khái quát là bản chất của sự biểu hiện, là nét khái quát về mặt hình dáng, hình thể, có giá trị cô đọng. Khối là biểu hiện ra bên ngoài của bản chất, là hiện tượng, điều mà bản chất muốn phản ánh.

1.3. Thể hiện tính cá nhân và phong cách, tư duy sáng tác kiến trúc

Tính cá nhân – phong cách ngôn ngữ kiến trúc của một số kiến trúc sư đương đại tiêu biểu với các tác phẩm kiến trúc.

– Tác phẩm: Kiến trúc bảo tàng thiết kế VITRA

Tác giả: Frank o Gehry và cộng sự

Năm thiết kế & xây dựng: 1989

Chức năng công trình: Bảo tàng, trung tâm thiết kế sáng tạo

Công trình được nhận định như một bản ballad của Hình và Khối, một sự phối hợp, biểu diễn tuyệt vời, đầy ngẫu hứng và bất ngờ. Tác giả với quan điểm thiết kế bác bỏ sự hoành tráng, lạnh lùng của Chủ nghĩa hiện đại (Modernism), thay vào đó tìm kiếm sự toàn vẹn với môi trường xung quanh, tạo ra các không gian liên quan trở nên biến ảo, không nhàm chán, chú trọng đến tương quan tỷ lệ con người và hình thể, tạo nên các kịch tính thú vị. Công trình là một sự chuyển đổi rõ ràng sang Chủ nghĩa Phi kết cấu (Deconstrusctinsim). Sự xuất hiện của tổ hợp các chuyển biến về hình thể, phá bỏ các góc, giao thoa khối, các vòng xoáy chuyển động liên tục từ biểu hiện bên ngoài đến cấu trúc bên trong.

Tác phẩm mang đậm phong cách của kiến trúc biểu hiện, pha chút tạo hình ấn tượng của nghệ thuật sắp đặt. Với cách bày tỏ quan niệm Hình và Khối, trong hình có khối, khối có hình theo lối rất riêng, trở thành dấu hiệu đặc trưng, để nhận biết các tác phẩm của người kiến trúc sư là phong cách sáng tác, tạo hình đặc thù của tác giả.

– Tác phẩm kiến trúc: Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev, Azerbaijan

Tác giả: Zaha Hadid và cộng sự

Năm thiết kế & Xây dựng: 2013

Chức năng công trình: Trung tâm văn hóa & biểu diễn

Công trình như là một tuyên ngôn, một sự chín muồi trong phong cách sáng tạo kiến trúc. Một ngôn ngữ tạo hình kiến trúc đặc biệt, quan điểm khai phóng sự sáng tạo, giải tỏa kết cấu, không bị ràng buộc bởi kỹ thuật. vẫn những thủ pháp đặc trưng về Xử lý Hình & Khối, xử lý mối quan hệ bề mặt, xử lý cảnh quan với quan điểm cảnh quan tràn vào công trình hay bị chuyển hóa thành một bộ phận của công trình, thậm chí, áp dụng ngôn ngữ tạo hình kiến trúc cho thiết kế cảnh quan.

Hình được sử dụng không phải là các hình toàn vẹn, mà thường dùng các hình có tính biến thể từ hình cơ bản, khối cũng biểu hiện đúng như vậy, đặc biệt với thủ pháp xử lý thông minh quá trình biến đổi, quan niệm về quan hệ từ Hình – Khối mà không gian được nảy sinh như bất bình thường, mất cảm giác về các chiều của không gian, một sắc thái lạ của không gian – không gian động, con người sẽ cảm giác mênh mông hay kì bí khi bắt gặp không gian đó qua cảm nhận thực thể về khối. Có lẽ, con người trong không gian đó không còn là chủ thể nữa mà cũng chỉ là một khối di động mà thôi. Đây là một cá tính mạnh mẽ trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc.

Hình: Sử dụng các cấu trúc hình tam giác bị biến thể, hay hình chữ nhật dài biến thể thành hình bình hành. Tổng quan, dáng hình học trên mặt bằng được tạo nên bởi sự giao cắt của chính các bất bình thường đó tín hiệu cho một không gian bất bình thường.

Khối: Tuân thủ đúng giá trị biểu hiện mà hình đã thông tin, điều kì diệu lúc biểu hiện cảm nhận hình và khối được tạo ra những tiết tấu biến điệu riêng về mặt hình thể của khối. Sự đóng góp tích cực của chất liệu và hiệu quả ánh sáng. Sự kết hợp nhuần nhuyễn các khả năng liên hợp khối, hoặc phân tách chúng trong những cấu trúc khác lạ, dường như muốn minh chứng cho một nhận định về sự biểu hiện thực thể của các đối tượng đã được phân tách có thể trở thành một tập hợp các cấu trúc phức tạp trong hình khối, chối bỏ các nguyên tắc, quy định thông thường, hình và khối có tính chuyển động hay như đang sắp chuyển sang một trạng thái khác khẳng định một quan niệm mới về ngôn ngữ tạo hình mang hơi thở thời đại, có tính định hướng cho tương lai.

2. Biểu hiện tính thống nhất của hình và khối trong một số chi tiết điển hình của kiến trúc cổ điển

Biểu hiện của Hình và Khối trong phong cách kiến trúc cổ điển phương Tây luôn được xuất phát từ các dạng khối trụ tròn, hình hộp chữ nhật hay lập phương, kết hợp với các dạng vòm cỏ của khối cầu, mặt bằng, mặt đứng thường được tổ chức cân bằng đối xứng.

Các dạng hình thường thấy trong chi tiết của kiến trúc cổ điển phương Tây, như: Hình tròn, chữ nhật, elíp, hình mũi mác, hay mô phỏng hình dáng hoa loa kèn… Nhận thấy mối liên quan từ Hình (dạng hình trên ngôn ngữ thể hiện mặt bằng) phát triển thành Khối theo chiều thứ 3, luôn được đưa về dạng biến đổi đồng nhất, có tính thống nhất, biểu hiện từ dạng đế, chân, thân cột và tổ hợp theo một đường thẳng hay một vòng tròn đều tạo nên những hình thái của mái, gây thụ cảm về khối tích công trình cũng thấy có sự xuất phát từ chính các khối tích cơ bản. Việc bổ sung các họa tiết, chi tiết theo các chuẩn mực của tỷ lệ, cũng nhận thấy sự cân đối, xuất phát từ các dạng hình vốn rất cân xứng như hình tròn, hình vuông, hình đều cạnh.

3. Biểu hiện Hình và Khối thông qua một số yếu tố cấu thành công trình

3.1. Yếu tố công năng

Công năng trong kiến trúc luôn là nhu cầu và là tiêu chí để hình thành, xác định đối tượng công trình. Công năng không đơn thuần là mục đích cho sử dụng, việc đáp ứng cho thẩm mỹ của nghệ thuật tạo hình kiến trúc cũng là một dạng công năng. Đối với các quy mô công trình công cộng như nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, điều dễ nhận thấy là khối hình có thể tích lớn, hay biểu hiện giá trị cảm thụ lớn thường là chức năng của phòng khán giả, hay khối đặc thù của không gian trưng bày hay phòng đọc, phòng ở trong thể loại công trình thư viện, khách sạn, văn phòng… Tùy từng công năng, đối tượng kiến trúc mà khối biểu đạt cho nhu cầu mục đích đó có hình dáng đặc trưng.

3.2. Yếu tố cấu trúc, kết cấu

Đây là chức năng tự thân của công trình kiến trúc, đảm bảo cho sự hiện diện ổn định về phương diện vật chất của các không gian kiến trúc, từ cấp độ nhỏ đến câp độ lớn, với khả năng chịu được tác động của ngoại lực, nội lực và môi trường. Yêu cầu về độ ổn định, bền vững gắn liền với giải pháp kết cấu, trình độ thi công. Nhờ đó mà vai trò của kết cấu, cấu trúc được biểu hiện thông qua Hình và Khối, làm phương tiện, xây dựng nên Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc, tác động, nảy sinh trong quá trình tư duy sáng tạo kiến trúc.

4. Biểu hiện của Hình và Khối thể hiện các yếu tố xã hội trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc

Đây là dạng chức năng mới của kiến trúc, thường hướng tới vai trò của con người nhiều hơn, gắn liền với giá trị tinh thần, đôi khi giá trị tinh thần được đẩy mạnh theo một cấp độ cao hơn, có tính chi phối tới cả yếu tố công năng sử dụng. Nó không đòi hỏi những không gian hay biểu hiện chuyên biệt mà rất đa dạng, được lồng ghép ngay trong các không gian sử dụng thông thường và có tính định hướng cho không gian đó. Yếu tố xã hội bao gồm các nội dung cơ bản sau:

– Chức năng thông tin

Ký hiệu, tín hiệu, dấu hiệu là những biểu hiện đặc trưng của ngôn ngữ tạo hình kiến trúc, lúc đó công trình luôn có những vai trò, tính chất đặc biệt nào đó chứa đựng bên trong. Khối công trình luôn được có dạng đơn giản, dễ hiểu hoặc có thể rất phức tạp một cách khó hiểu (cũng là một phương thức đặt dấu hiệu, gây tín hiệu) cảm xúc có tính ấn tượng, tác động mạnh hoặc bị lặp đi lặp lại có tính áp đặt.

Trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc, nhận thấy vai trò của Khối ngoài chứa đựng chức năng thông tin, còn có nội dung về văn hóa, đặc trưng xã hội hay giá trị thời điểm. Biểu hiện Hình và Khối được sử dụng thể hiện đặc trưng theo thời gian, nền văn hóa – xã hội thông qua các phong trào kiến trúc như Cổ điển, Hiện đại, hay Hậu hiện đại. Hoặc biểu hiện Hình và Khối nhận thấy qua các Hình dáng đặc trưng về loại hình nhà ở bản địa truyền thống tại các vùng, miền. Thể hiện nét đặc trưng về vùng văn hóa, phong tục tập quán, đặc trưng về khí hậu, quan hệ Hình và Khối được định dạng là yếu tố thông tin.

– Chức năng giao tiếp

Tại những nơi diễn ra các sinh hoạt giao tiếp, tập trung nên Khối tích không gian đó luôn được biểu hiện một cách nổi trội, khi nghiên cứu mặt bằng, biểu hiện về hình theo nghĩa định tính được thể hiện một cách có chủ ý, Hình đó thường được diễn tả sẽ theo hướng tụ, hướng tâm, hay là trung tâm của công trình. Hình & Khối cũng biểu hiện có nét tương đồng với nhau.

– Chức năng nhu cầu thẩm mỹ

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu thẩm mỹ được coi trọng và có sự đa dạng, biến hóa. Sự đặc trưng biểu hiện ra theo cái Tôi của cá nhân, của đối tượng sử dụng. Tuy nhiên đối với các dân tộc hay lối sống có tính quần cư dạng thức khác, nhu cầu thẩm  mỹ được biểu đạt bởi nét chung, đồng nhất, hoặc có sự biến hóa riêng, nguyên tắc có tính cấp bậc. Nhận định trên được biểu hiện rất rõ, qua đặc thù thể loại công trình kiến trúc về tôn giáo, về nhà ở sinh hoạt của các dân tộc vùng có địa hình, khí hậu đặc biệt.

Trong thế giới tự nhiên vốn phức tạp, mọi vật chất hữu hạn đều tồn tại dưới những dạng hình nào đó như: Các loại động vật, thực vật, núi non, sông nước, từ các hạt điện tử nhỏ bé cho tới các hành tinh xa xôi trong thiên hà… tất cả đã được con người khái quát lại trong cuộc sống dưới dạng diện hình (hình phẳng) với mục đích dễ dàng để ghi nhớ, để có thể nhận biết và phân biệt, do đó hình luôn mang nghĩa tự thân, có thể là sự khái quát hóa của hình ảnh, hay là nguồn gốc tồn tại, bản chất để biểu đạt một đối tượng thực thể. Các vật hữu hạn luôn tồn tại thêm chiều kích thước thứ 3, dễ dàng cảm nhận được do tác động của ánh sáng, nhờ đó vật thể thực chất tồn tại, cảm nhận ở dạng khối, với cấu trúc của không gian 3 chiều.

Như vậy, Hình và Khối vốn đã là ngôn ngữ của sự biểu hiện có sẵn trong thế giới tự nhiên. Trong nghệ thuật tạo hình kiến trúc, nhận thức rõ vai trò Hình và Khối là dụng cụ, là phương thức của “ca”, “từ” cấu thành nên Ngôn ngữ biểu hiện của công trình kiến trúc, ảnh hưởng mạnh, có tác dụng chi phối tới quá trình Tư duy sáng tác kiến trúc, nhằm diễn đạt cảm xúc của tâm hồn, suy nghĩ của người nghệ sĩ. Suy rộng ra, qua Hình và Khối mà nghệ thuật tạo hình đã làm tròn nhiệm vụ phản ánh đúng những quan niệm, nhu cầu thẩm mỹ, vấn đề của xã hội.

Nguồn: https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/66589/hinh-va-khoi-ngon-ngu-cua-su-bieu-hien-trong-nghe-thuat-tao-hinh.aspx